Ai giao quyền lãnh đạo cho đảng CSVN?
Phạm Trần
(https://vietbao.com/a315528/ai-giao-quyen-lanh-dao-cho-dang-csvn-)
Chính luận
Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình
quyền lãnh đạo là phản dân chủ vì dân chưa bao giờ bỏ phiếu giao quyền cai trị
cho đảng. Thế nhưng Đảng vẫn cãi lý rằng “vai
trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn tất yếu của
lịch sử, không thể thay thế.” (Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 10/02/2020).
Nhưng “lịch sử nào” đã chọn đảng thay dân? Nói cách khác là đảng của ai và đại
diện cho tầng lớp nào trong xã hội Việt Nam?
Lịch sử đã chứng minh, từ ngày
thành lập 03/02/1930 đến nay, chưa hề có cuộc trưng cầu ý kiến hay tổ chức bầu
cử nào đã giao quyền lãnh đạo đất nước cho đảng. Ấy thế mà đảng vẫn tự phong để
áp đặt: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên
phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động
và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân,
Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
(Điều 4 Hiến pháp năm 2013).
CƯƠNG LĨNH TỰ CHẾ
Điều 4 Hiến pháp đã được “luật hóa”
theo quy định của Cương lĩnh đảng được gọi là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội
(Bổ sung, phát triển năm 2011)”.
Cương lĩnh này đã viết những điều
phản dân chủ như sau:
– Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng
cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
– Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư
tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức
cơ bản.
– Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát
vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ
tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Để ru ngủ nhân dân, Cương lĩnh 2011 đã hão huyền viết:
– Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát
triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những
mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất
xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư
bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc.
Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động
của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết
định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.
– Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời
đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn
tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân
tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân
chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ
có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất
định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Nhưng hậu quả của lập luận không
tưởng này của Cương lĩnh đã mang đến thất bại ê chề cho những kẻ giáo điều và
bảo thủ Cộng sản khi “thế giới Cộng sản” không còn nữa. Ngược lại, chỉ còn lại
4 nước theo Chủ nghĩa Cộng sản gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn và Lào, nhưng
không có tổ chức thống nhất như thời kỳ chiến tranh lạnh (1947-1991). Ngoài ra
cũng không có thêm nước nào bỏ Tư bản Chủ nghĩa để theo Chủ nghĩa Cộng sản. Vì
vậy, Cương lĩnh chỉ được coi là của riêng đảng Cộng sản Việt Nam và những người
ủng hộ đảng này. Tuyệt nhiên nó không dính dáng gì đến toàn dân. Do đó, khi
đảng đem “cái riêng” của mình tròng vào cổ đại chúng để tiếm quyền cai trị là
độc tài và phản động.
Bằng chứng mạo danh nghĩa dân để
thủ lợi còn được đảng tự phong: “Đảng
Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của
toàn dân tộc Việt Nam. Khẳng định đó xuất phát từ sự vận dụng sáng tạo chủ
nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta của Đảng.”
(Báo Quốc phòng Toàn dân, ngày 03/02/2023).
QUYỀN LỢI ĐẢNG
Nhưng khi nói đảng là của “toàn dân
tộc” là đảng cũng đã tự khoác cho mình chiếc áo đại diện không do dân ủy thác.
Do đó, đảng càng mị dân hơn với tuyên bố “nhà
nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, do đảng CSVN lãnh
đạo”.
Cũng với ý tưởng tiếm quyền, đảng
còn tự viết trong Điều 53 Hiến pháp
2013: “Đất đai, tài nguyên nước, tài
nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên
khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu
toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”
Như vậy rõ ràng nhân dân chỉ có hai
bàn tay trắng trong chế độ Cộng sản, vì nhà nước là chủ nhân của đất đai. Nhân
dân chỉ là người thuê đất và được giao đất canh tác và xây dựng. Việc này được
chứng minh trong Điều 5 của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận
trong năm nay.
Điều 5 viết: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.”
Chi tiết hơn, Điều 6 viết: “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất,
cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê
lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao theo quy định
của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ
chức chính trị, tổ chức chính trị – xã
hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề
nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội –
nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định
của pháp luật về dân sự;
b) Tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về
đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này;
c) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử
dụng đất (sau đây gọi chung là tổ chức tôn giáo).
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi
chung là hộ gia đình, cá nhân).
3. Cộng đồng dân cư.
4. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ
quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài
có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của
tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại
diện của tổ chức liên chính phủ.
5. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định
của pháp luật về quốc tịch.
6. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc
đối tượng thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài
theo quy định của pháp luật về đầu tư (sau đây gọi chung là tổ chức kinh tế có
vốn đầu tư nước ngoài).
Quyền lợi ngập đầu như thế mà Đảng
vẫn chối khi nói rằng: “Đảng không có lợi
ích riêng, mà Đảng là tổ chức đại diện cho lợi ích toàn dân.” Nhưng vấn đề
là không phải chỉ có đảng CSVN mới xứng đáng đóng vai trò đại diện cho toàn
dân. Nếu không có đảng Cộng sản độc quyền cai trị thì vẫn có đảng khác, hay tập
thể lãnh đạo khác đứng ra điều hành và xây dựng đất nước.
Vì vậy ít lâu nay, đảng vẫn vịn vào
lý do tự chế ra như “được toàn dân đồng tình ủng hộ” để chống đa nguyên đa
đảng, chống tự do tư tưởng và tự do báo chí. Do đó, mỗi khi có đòi hỏi dân chủ
hóa chế độ để đoàn kết toàn dân xây dựng đất nước thì các cơ quan báo chí và
tuyên truyền của đảng lại đồng loạt hô hoán đó là âm mưu của các thế lực thù
địch nhằm gây mất ổn định để loại đảng
ra khỏi vị trí lãnh đạo.
Sự sợ hãi bị mất quyền của đảng
cũng dễ hiểu vì sau 37 năm gọi là “Đổi mới” (1986-2023), 4 nguy cơ đe dọa sự
sống còn của đảng vẫn tồn tại, có mặt
còn gay gắt hơn. Những “nguy cơ" này được
nói ra lần đầu tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ
khóa VII tháng 1.1994, bao gồm: tụt hậu
về kinh tế, chệch hướng XHCN, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu “diễn
biến hòa bình” của các thế lực thù địch.”
Thực tế hơn, 4 lĩnh vực đang làm
cho đảng điên đầu, đó là:
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống của nhiều cán bộ, đảng viên đưa tới tình trạng “tự diễn biến” và
“tự chuyển hóa”, kể cả việc phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh. Tình trạng tham nhũng, chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm trong đảng càng
ngày càng diễn biến phức tạp, lan rộng sau hơn 10 năm phòng, chống.
An ninh nội bộ, theo lời Bộ trưởng
Công an, Đại tướng Tô Lâm thì: “Đất nước đang đứng trước 3 thách thức lớn đe
dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Cụ thể, theo
ông Lâm, thách thức đầu tiên là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật
đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ
hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong
xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân
dân ngày càng gia tăng. Thách thức thứ ba là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạ.”
Ông Lâm nói: “Trong 3 thách thức nêu trên, nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy
giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ
gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất ” (Tuyên bố ngày 03/02/2021).
Nhưng tại sao lại sợ không còn “thế
trận lòng dân” nữa? Tại vì nhân dân ngày nay “đã sáng mắt sáng lòng” sau bao
nhiêu năm bị đảng tuyên truyền lừa dối. Bằng chứng là ngày nay người dân không
còn ngây thơ làm theo lời tuyên truyền hợm hĩnh của đảng như: “cán bộ đi trước,
làng nước theo sau”.